Cơ hội thị trường cho nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng.

 

Công nghiệp hỗ trợ giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Ảnh minh họa: TTXVN

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đang vươn lên đóng vị trí quan trọng; trong đó, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp thành phố chiếm khoảng 32,3% vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khoảng 19% vào GRDP của thành phố.

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Cơ hội thị trường cho ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ” do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 12/9.

*Tăng giá trị gia tăng sản xuất

Tp. Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu kinh tế, thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tính riêng trong năm 2018, thành phố chiếm hơn 23% quy mô nền kinh tế cả nước, đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 22% tổng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước.  

Chính vì vậy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng…

Bên cạnh đó, những chuyển biến của nền kinh tế thế giới với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới cho công nghiệp hỗ trợ thành phố.

Ngoài tạo động lực cho ngành công nghiệp phát triển mạnh hơn, công nghiệp hỗ trợ dự báo sẽ đóng góp không nhỏ vào tăng tưởng công nghiệp chế biến, chế tạo… trong thời gian tới.  

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trước bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do mang lại cả cơ hội và thách thức, Sở Công Thương thành phố đã không ngừng nỗ lực tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó, sở, ngành thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, kết nối, tiếp xúc cho cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp công ty đầu cuối ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, thành phố phải kết nối thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp cần “chen chân” vào chuỗi cung ứng của công ty FDI và doanh nghiệp toàn cầu.

Hiện tại, cùng với chính sách hỗ trợ nội lực vốn, thành phố chủ động dành quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng.

Mặt khác, thành phố đang kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập khu công nghiệp mới với quỹ đất dự kiến lên đến gần 300ha để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới.

Để thúc đẩy chính sách phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ với vai trò là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, Tp. Hồ Chí Minh đang tích cực xây dựng những chương trình tăng cường hợp tác ngành, giữa ngành, doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp cung ứng và cơ quan nhà nước.

Qua đó, thành phố tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia bền vững vào mạng lưới toàn cầu của nhiều doanh nghiệp FDI; cũng như chia sẻ ứng dụng của hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. 

*Đáp ứng yêu cầu FDI

Trước nhu cầu của nhiều doanh nghiệp FDI và MNE (các công ty sản xuất hay cung cấp dịch vụ ở ít nhất hai quốc gia) tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, Chương trình Phát triển nhà cung cấp (SDP) đã được Tổ chức Tài chính quốc tế IFC – một thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ để thí điểm tại Việt Nam.

Đây là công cụ đã được chứng thực về việc tạo ra cơ hội kinh doanh với doanh nghiệp FDI và MNE, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và giúp họ dịch chuyển lên các công đoạn tạo ra gía trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị.

Bà Phạm Liên Anh, Chuyên gia cao cấp IFC, Trưởng dự án Chương trình Phát triển nhà cung cấp SDP cho rằng, Chương trình SDP được triển khai, nhằm mục tiêu giữ chân FDI đã có mặt tại Việt Nam và thu hút thêm FDI mới với công nghệ cao hơn; trong đó, Chương trình SDP thực hiện đánh giá hoạt động kinh doanh toàn diện đối với doanh nghiệp tham gia so với chuẩn mực toàn cầu; hỗ trợ cố vấn, tư vấn thường xuyên để bảo đảm việc thực hiện và giúp nhiều công ty tự cải thiện.

Hiện tại, Chương trình SDP thí điểm tại Việt Nam có sự tham gia của doanh nghiệp đa quốc gia trong lĩnh vực ô tô, điện tử, hàng gia dụng.

Liên quan đến yêu cầu tiêu chuẩn tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu của Panasonic, ông Ngô Bảo Anh, đại điện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panasonic Việt Nam cho hay, mỗi công ty sản xuất có một phòng mua hàng riêng, bên cạnh đó là phòng mua sắm toàn cầu trực thuộc công ty chủ quản Panasonic Việt Nam, cùng những chức năng chuyên biệt với mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua sắm cho toàn bộ Tập đoàn.

Vì vậy, công ty chủ động nâng cao việc xuất khẩu những nguyên vật liệu, thiết bị của nhà cung cấp địa phương đến những nhà máy Panasonic ngoài Việt Nam.

Điều này mở ra cơ hội cho những nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, nhưng Panasonic Việt Nam luôn hướng đến mục tiêu lựa chọn nhà cung cấp chất lượng tốt với giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, cũng như quốc tế.

Trong đó, đơn vị muốn tham gia chuỗi cung ứng của công ty, ngoài năng lực cạnh tranh cần đáp ứng những yêu cầu như quy trình lựa chọn nhà cung cấp “sạch”, bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi, điều kiện làm việc cho người lao động…

Theo ông Jun Choi, Giám đốc văn phòng đại diện Công ty Coex – nhà tổ chức triển lãm lớn nhất Hàn Quốc, làn sóng công nghệ đang tạo ra cơ hội cho tất cả ngành nghề, lĩnh vực, trong đó mang lại cơ hội gia tăng năng lực cung ứng, liên kết giữa nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam với toàn cầu.

Tại Hàn Quốc có những hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ cung cấp thông tin, đào tạo kỹ năng… mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo và tìm cơ hội kết nối công ty công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước Hàn Quốc.

Đối với Hàn Quốc, Việt Nam là thị trường quan trọng, trong đó có ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Việc Coex và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, kỳ vọng cung cấp một nền tảng liên kết cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu thông qua triển lãm và hội nghị quốc tế của châu Á.

Bên cạnh đó, chương trình quảng cáo online và offline của Coex, được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu khách hàng trong nhiều năm qua sẽ mang lại nhiều điều kiện hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Mỹ Phương/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *