Việt Nam hấp dẫn các nhà cung ứng thiết bị công nghiệp Nhật và Đài Loan

Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp quốc tế cung ứng các loại máy móc công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo, đặc biệt khi chiến tranh thương mại dâng cao gắn với dấu hiệu dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tại triển lãm quốc tế về máy móc công cụ cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA) lớn nhất hàng năm diễn ra tại TPHCM (từ ngày 2 đến 5-7), trong hơn 500 đơn vị triển lãm thì khoảng 80% là các doanh nghiệp quốc tế đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường.

Trải nghiệm một vòng MTA 2019, có thể thấy hai sản phẩm chủ lực ở triển lãm là máy cắt và máy định hình kim loại, đi liền đó là không gian cho nhóm thiết bị kiểm soát và đo lường, dụng cụ phục vụ ngành gia công kim loại, nhóm kim loại và ngũ kim. “Những sản phẩm mang đến triển lãm có thể bao quát gần như toàn ngành công nghiệp chế tạo hiện tại ở Việt Nam”, đại diện ban tổ chức nói với Forbes Vietnam.

Đài Loan là nhóm gian hàng quốc tế lớn nhất MTA 2019 với 60 đơn vị triển lãm. Đây cũng là nhà sản xuất máy móc công cụ đứng thứ 5 trên thế giới, sau Đức, Ý, Nhật và Trung Quốc. Trong năm 2018, thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan đạt 16,8 tỉ đô la Mỹ và là đối tác nhập khẩu lớn thứ sáu của Đài Loan.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM cho biết, hơn 250 doanh nghiệp trong hiệp hội cơ khí điện có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với những mặt hàng linh kiện phục vụ cho sản xuất và các loại thiết bị điều khiển. “Máy móc từ Đài Loan có chất lượng tốt, mang tính kinh tế cao, dễ dàng sửa chữa, có thể xem là lựa chọn thay thế cho những loại máy móc khác từ các nước tiên tiến khác đối với doanh nghiệp không có quá nhiều chi phí để đầu tư.”

“Đài Loan và Việt Nam đều là những nhà sản xuất lớn trong khu vực, có nhiều điểm tương đồng trong chuỗi cung ứng, vì thế, chúng tôi hướng tới việc xây dựng một mối quan hệ thương mại vững bền tại đây”, bà Karen Pai, đại diện Hiệp hội Phát triển ngoại thương Đài Loan tại Việt Nam (TAITRA) nhận định.

Đồng quan điểm với bà Karen, ông Robert Puschman, Giám đốc điều hành của DKSH tại Singapore, Malaysia và Việt Nam nói với Forbes Vietnam: “Những năm gần đây, ngày càng đông đảo nhà sản xuất công nghiệp đang đầu tư vào Việt Nam, khách hàng của chúng tôi không chỉ đến từ châu Âu mà có những doanh nghiệp tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã chuyển hướng xuất khẩu máy móc sang Việt Nam.”

Là nhà triển lãm có mặt trong suốt 13 mùa MTA, Nhật Bản đại diện với 24 công ty cung cấp các loại máy móc, thiết bị máy kim loại, tạo hình kim loại, công cụ, thiết bị bảo trì, dụng cụ đo đạc máy công nghiệp, linh kiện… nhắm mở rộng thị trường Việt Nam trong ngành công nghiệp sản xuất. Nhắm đến thế mạnh là nhà công nghiệp chất lượng cao, tại MTA 2019 khu trưng bày của quốc gia này có rất nhiều sản phẩm ứng dụng các kỹ thuật cao chưa từng có mặt tại Việt Nam.

Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO), cho biết, đa số các doanh nghiệp có mặt ở triển lãm này không có ý định bán những sản phẩm đã hoàn chỉnh, chủ yếu là họ muốn giới thiệu giải pháp công nghệ hoặc chi tiết hay linh kiện nào đó để bổ trợ cho các máy móc hay thiết bị trong sản xuất.

Đại diện JETRO cho biết tại MTA 2018, có 17 doanh nghiệp Nhật đã ký kết được hợp đồng thương mại với tổng giá trị 47 triệu yen.

Ông Katsu Obara, giám đốc của công ty NiGK Corporation, một doanh nghiệp mới tham dự MTA vài năm gần đây cho biết, NiGK đưa đến Việt Nam sản phẩm tem chịu nhiệt – là một loại chi tiết bổ trợ cho hoạt động của máy móc và nâng cao mức độ bảo hộ an toàn lao động.

“Có nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật như tập đoàn đường sắt Nhật Bản, công ty Hitachi đã là khách hàng của chúng tôi. Ở Việt Nam, con tem nhiệt này còn khá mới mẻ, nhưng chúng tôi kỳ vọng qua triển lãm lần này sẽ tìm được các đối tác có nhu cầu ở Việt Nam” 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2019 duy trì mức tăng trưởng 9,13% so với cùng kỳ 2018, trong đó công nghiệp chế biến – chế tạo giữ vai trò dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế khi đóng góp chính cho tăng trưởng với mức tăng 11,18%, mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức cùng kỳ của giai đoạn 2012-2017. Con số này đã đưa chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến – chế tạo tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo cũng thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với tổng vốn cấp mới 5,44 tỉ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký. Cũng trong sáu tháng, Việt Nam chi gần 18 tỉ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị và dụng cụ  phụ tùng các loại để phục vụ sản xuất trong nước, tăng 14,8% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

theo FORBES Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *