Nhật Bản là đối tác quan trọng trong quá trình Việt Nam phát triển ngành công nghiệp. Nhiều dấu ấn rõ nét của Nhật Bản đó là mô hình 5S, 3S… Tuy nhiên, giá trị gia tăng do Nhật Bản đóng góp trong xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chậm cải thiện.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn “Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản – Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Quỹ quốc tế Toshiba, Trường Chính sách công – Đại học Tổng hợp Tokyo tổ chức ngày 22/11.
Chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn
Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện CIEM – cho biết, diễn đàn là cơ hội để giới nghiên cứu hai nước nhìn lại bối cảnh kinh tế mới tác động tới hợp tác công nghiệp Việt Nam-Nhật Bản. Đồng thời, yêu cầu phải đổi mới để hai quốc gia có thể hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị toàn cầu và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực.
Thực tế, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản được bắt đầu vào năm 2011, với mục đích phát triển có chọn lọc các ngành công nghiệp mà Việt Nam có tiềm năng và các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Trong đó, ưu tiên 6 ngành chế biến nông thủy sản; máy nông nghiệp; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; điện tử; đóng tàu. Đến năm 2015, tất cả các Kế hoạch hành động để phát triển 6 ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Tuy nhiên, đến năm 2017, có ít nỗ lực để thực hiện các Kế hoạch hành động. Và đến năm 2018 thì các nỗ lực ấy được nối lại khi cả hai bên thúc đẩy đổi mới hợp tác công nghiệp” – ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM – cho hay.
Cụ thể, trong hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, nội dung quan trọng chính là thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Điều này được thông qua trong việc phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy liên kết giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam như cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Một số công nghệ được chuyển giao là công nghệ tiên tiến và rất phù hợp với nhu cầu sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam như công nghệ CAS, vắc- xin, hệ thống vi cơ điện tử… Ngoài ra, hợp tác công nghiệp cũng được thúc đẩy nhờ chuyển giao kiến thức và các tài sản vô hình khác thông qua ODA của Nhật Bản cho Việt Nam. Cụ thể từ các đối tác nước ngoài cho các chính quyền địa phương ở Việt Nam, từ các nhà thầu nước ngoài cho các nhà thầu địa phương và từ các nhà thầu cho các nhà thầu phụ.
Trong những năm gần đây, chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, giá trị gia tăng do Nhật Bản đóng góp trong xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chậm được cải tiến. Đặc biệt, chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho Việt Nam còn khiêm tốn so với kỳ vọng.
Cần hành động quyết liệt trong hợp tác
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, điểm mấu chốt trong hợp tác công nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa được “suôn sẻ” chính là liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN Nhật Bản vẫn còn yếu. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) – cho rằng, đó là do các DN Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam đều phát triển hệ thống nhà cung cấp do các DN Nhật Bản mà không có sự tham gia của DN Việt Nam. Liệu có phải DN Việt Nam chưa đủ năng lực cung cấp cho các nhà lắp ráp Nhật Bản?
Mặc dù, sự hiện diện của các DN Nhật Bản tại Việt Nam như Toyota, Canon, Toshiba, Panasonic… khá lâu, cũng đã phát triển hệ thống nhà cung cấp, nhưng hầu hết các DN Việt Nam đều không biết. Trong khi đó, Samsung – DN Hàn Quốc – tham gia vào thị trường Việt Nam sau, nhưng họ lại xây dựng mạng lưới hệ thống nhà cung cấp có sự tham gia rất nhiều của DN Việt Nam.
“Điều này đòi hỏi phải có tổ chức Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với DN Nhật Bản để quảng bá, truyền thông cho những hoạt động này nhiều hơn nữa” – bà Nguyễn Thị Xuân Thúy đề nghị.
Bên cạnh đó, DN Nhật Bản cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo năng lực cho DN Việt Nam để họ có đủ năng lực trở thành nhà cung cấp cho DN Nhật Bản. Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy đặt ra câu hỏi, tại sao ở Nhật Bản, hệ thống tư vấn viên rất tốt mà lại chưa có cơ hội hợp tác với Việt Nam? Trong khi đó, Samsung đến sau, trong 2 năm vừa qua, họ đã hỗ trợ cho Việt Nam đào tạo 200 tư vấn viên.
Liên quan đến chuyển giao công nghệ, nhiều DN Việt Nam muốn học hỏi và tiếp nhận công nghệ của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu các DN tự làm được với nhau thì rất khó khi chi phí, ngôn ngữ và văn hóa của DN Nhật Bản khác nhau. Các chuyên gia cho rằng, cần có sự hỗ trợ bên thứ 3 là tổ chức, nghiên cứu hay Chính phủ Nhật Bản. Ngoài ra,“DN Nhật Bản cần phải chân thành, sáng tạo, hành động nhanh và quyết liệt hơn. Nếu không, nền tảng tốt giữa hai nước và lợi ích đó sẽ không đem lại kết quả như mong muốn”– TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh.
Về phía Việt Nam, các DN cũng cần chủ động nhiều hơn, không chỉ đơn thuần tìm kiếm các dự án để thực hiện các hoạt động đã định, mà còn thay đổi cách suy nghĩ về chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên và thực chất về những vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp như giới thiệu các ví dụ điển hình về chuyển giao công nghiệp của Nhật Bản cho Việt Nam hay Việt Nam tham gia hợp tác công nghiệp ba bên do Nhật Bản dẫn dắt.
Theo Thu Phương – Bùi Hùng , Báo công thương |